Đảo Cát Bà không chỉ có phong cảnh sông núi xinh đẹp hữu tình mà còn là nơi có nhiều di tích cấp quốc gia. Di chỉ Cái Bèo là một trong những di chỉ ngoài trời điển hình trên đảo Cát Bà.
Theo từ điển Tiếng Việt, di chỉ là nơi còn lưu giữ những dấu vết cư trú và sinh sống của người xưa. Trong nhiều trường hợp thuật ngữ di chỉ cũng dùng để chỉ khu mộ địa.
Di chỉ Cái Bèo nằm giữa thung lũng đá vôi, chạy dài theo hướng Bắc Nam dọc bờ biển, cách trung tâm thị trấn Cát Bà chừng 1,5km về phía Đông Nam. Di chỉ nằm gần bến tàu Bến Bèo, diện tích khoảng 18.000m2, dốc thoải từ Nam ra Bắc, cao 3,5m so với mặt biển.
Năm 1938, Di chỉ Cái Bèo lần đầu tiên được nhà khảo cổ học người Pháp M. Colani phát hiện và được các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khai quật vào năm 1973, 1981, 1986, 2006.
Các hiện vật khai quật được gồm nhiều bàn mài, rìu đá, nồi đất, vỏ sò, vỏ ốc hóa thạch. Cách di chỉ 200m là dãy núi Áng Thảm và Bù Nâu chạy vòng cung ôm lấy Cái Bèo, làm cho nơi đây kín gió, biển không ồn ào, phong cảnh hữu tình, thuận cho việc sinh sống và khai thác thủy sản. Có lẽ vẻ đẹp thiên nhiên đã quy tụ cùng với thuận lợi về địa thế, phong phú về sản vật nên dân cư cổ Cái Bèo đã quần tụ lâu dài tại đây, tạo nên nền văn hóa đặc sắc của người Việt cổ.
Thông qua vị trí cảnh quan nơi cư trú, tổng thể di vật ở các lớp văn hóa di chỉ Cái Bèo, có thể hình dung được hình thức hoạt động kinh tế lúc bấy giờ. Kết quả khảo cổ chứng tỏ cư dân thời cổ ở đây đã sống định cư lâu dài qua nhiều thời đại. Sự xuất hiện của xương răng động vật hoang dã và xương cá biển cho thấy trước đây cư dân Cái Bèo chuyên săn bắt, hái lượm và đánh cá. Bước sang giai đoạn văn hóa Hạ Long cư dân đã phát triển trồng trọt, chế tạo thuyền mảng để ra khơi. Sự có mặt ít ỏi của vòng tay và tinh thể thạch anh chứng tỏ cư dân Cái Bèo đã có ý thức về cái đẹp. Rõ ràng, Cái Bèo là một di chỉ khảo cổ học có ý nghĩa lớn không chỉ đối với việc nghiên cứu văn hóa Hạ Long mà còn là tư liệu quý để tìm hiểu văn hóa và lịch sử của cư dân miền Đông Bắc nước ta thời xa xưa.
Di chỉ Cái Bèo được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2009. Những du khách đam mê với khảo cổ hoặc muốn tận mắt nhìn thấy những vật dụng còn sót lại của người xưa thì di chỉ Cái Bèo ở Cát Bà chính là một địa điểm lý tưởng của chuyến du lịch. Bạn có thể xác định được những giá trị khoa học về khảo cổ và hiểu thêm về tiến trình phát triển của tiền sử Việt Nam.
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *