Vườn Quốc Gia Cát Bà được thành lập ngày 31/3/1986 theo quyết định số 79/CP của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Vườn Quốc Gia Cát Bà nằm trong quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải và quần đảo Đầu Bê, Vịnh Hạ Long.
Diện tích hiện nay của Vườn Quốc Gia Cát Bà là 17.362,96 ha, trong đó 10.912,51 ha là phần đảo và rừng núi, 6.450,45 ha là phần biển. Vườn được phân chia thành 3 phân khu chức năng: khu bảo vệ nghiêm ngặt với tổng diện tích là 5.164,67 ha, khu phục hồi sinh thái với tổng diện tích là 12.094,35 ha và khu vực hành chính dịch vụ với tổng diện tích là 103,94 ha.
Chức năng nhiệm vụ chính của Vườn Quốc Gia Cát Bà là: bảo tồn và dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài – sinh cảnh; bảo vệ cảnh quan; quản lý bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn và phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc quản lý nhà nước về tài nguyên rừng và biển của Vườn và Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà.
Vườn Quốc Gia Cát Bà là một vườn quốc gia vô cùng độc đáo trong hệ thống các VQG của Việt Nam, là vườn quốc gia đầu tiên trong nước thành lập có đủ cả hệ sinh thái rừng và biển. Là tâm điểm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà và Di tích Danh thắng đặc biệt quốc gia,Vườn Quốc Gia Cát Bà là ví dụ tiêu biểu cho các hệ sinh thái biển – đảo nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình của Châu Á như: hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh trên đảo đá vôi, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh bãi triều, hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái hồ nước mặn, vịnh, tùng, áng. Các hệ sinh thái này liền kề và tiếp nối nhau tạo nên cảnh quan và môi trường sống vô cùng phong phú. Vườn cũng là khu bảo tồn duy nhất của Việt Nam và Thế giới đang tồn tại các quần thể nhỏ của loài Voọc Cát Bà.
Do có sự đa dạng về hệ sinh thái và môi trường sống nên Vườn Quốc Gía Cát Bà có các tài nguyên động thực vật vô cùng phong phú. Theo thống kê, đến nay tại Vườn đã ghi nhận được 1595 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 850 chi, 187 họ trong 5 ngành thực vật khác nhau, trong đó có 70 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới. Ngoài các giá trị hết sức quan trọng về đa dạng sinh học, giá trị bảo tồn, giá trị khoa học thì hệ thực vật của VQG Cát Bà cũng rất đa dạng về giá trị sử dụng như: nhóm cây dược liệu 1.026 loài, nhóm cây cung cấp gỗ 432 loài, nhóm cây làm cảnh và bóng mát 253 loài, nhóm cây cung cấp thức ăn: 253 loài.
Động vật rừng cũng rất phong phú, đa dạng với 362 loài, gồm có 63 loài thú, 209 loài chim; 58 loài bò sát và 32 loài lưỡng cư, trong đó có 58 loài ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam và Thế Giới. Nhìn chung khu hệ động vật trong Vườn và trên đảo Cát Bà mang sắc thái đặc thù một khu hệ động vật của sinh thái vùng núi đá ven biển và những đặc điểm, đặc trưng cho hệ động vật hải đảo thể hiện sự phong phú của các loài động vật thích nghi với sinh cảnh núi đá vôi như Sơn Dương, Khỉ Vàng, Nhím, Sóc....vv. Đặc biệt Voọc Cát Bà là loài sinh trưởng đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam, duy nhất chỉ sinh sống ở quần đảo Cát Bà mà không tồn tại ở bất cứ nơi nào trên toàn thế giới với số lượng hiện nay khoảng 70 cá thể.
Côn trùng, Bướm cũng đã ghi nhận được 401 loài, do Vườn Quốc Gia Cát Bà là khu vực cách biệt với các vùng đất liền, bao bọc xung quanh là biển nên sự giao lưu hay di chuyển của các loài bướm với các vùng xung quanh là rất hạn chế. Do sự cách biệt về không gian nên Vườn có khu hệ Côn trùng nói chung, Bướm nói riêng khá khác so với các khu vực ở đất liền.
Trong những năm qua Vườn đã và đang hợp tác với rất nhiều các nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế tiến hành, điều tra, khảo sát, nghiên cứu và phát hiện được nhiều loài mới, có giá trị trong nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn.
Chỉ trong vài năm, một số loài mới được phát hiện cho khoa học như:
Loài Dơi xám mũi lớn (Hipposideros grandis). Đây là loài mới phát hiện ở Việt Nam được công bố năm 2006.
Loài thạch sùng mí Cát Bà (Goniurosaurus catbaensis Thomas Ziegler et all). Đây là loài mới phát hiện ở Việt Nam được công bố tháng 05/2008.
Loài Thằn lằn bóng phê - nô Bắc bộ (Sphenomorphus tonkinensis). Đây là loài mới phát hiện ở Việt Nam được công bố năm 2011.
Loài Dơi nếp mũi Grip - phin (Hipposideros griffini). Đây là loài mới phát hiện ở Việt Nam được công bố năm 2012.
Với hơn 6.450 ha biển, sinh vật biển trong VQG Cát Bà phong phú và đa dạng vào bậc nhất của các vùng đảo miền Bắc Việt Nam, đây không chỉ là nơi lưu giữ và phát tán nguồn gen lớn của Vịnh Bắc Bộ mà còn có nhiều loài quý hiếm. Theo kết quả điều tra về thủy sản của Viện Tài nguyên & Môi trường biển tại Hải Phòng cho biết hiện nay sinh vật biển khu vực đảo Cát Bà đã xác định được 196 loài cá biển, 658 động vật đáy, 400 loài thực vật phù du, 131 loài động vật phù du, 177 loài san hô, 23 loài cây rừng ngập mặn, 102 loài rong biển, 3 loài cá heo...vv. Trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Thế giới. Sinh vật biển Cát Bà còn có nhiều loài có giá trị kinh tế, giá trị xuất khẩu cao như: Trai ngọc, Vẹm xanh, Tu hài, Vích, ốc Đụn đực, cá Ngựa gai, Sam đuôi tam giác, Đồi mồi.
Hệ sinh thái Rạn san hô có vai trò như rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển, vì là nơi cư trú của các loài sinh vật đáy và các loài cá. Các rạn san hô này cũng được chia làm nhiều tầng và mức độ che phủ như rừng mưa nhiệt đới. Nếu rạn san hô này bị mất đi nguy cơ biển nước ta sẽ biến thành “thủy mạc”, tức là rất ít sự sống như sa mạc. San hô có giá trị cao không chỉ về đa dạng sinh học mà còn rất có về giá trị du lịch, và nuôi trồng thủy sản.
Dịch vụ
- Chụp ảnh cưới
- Leo núi bằng dây và dù lượn
- Lều trại dã ngoại
- Thuê đồ cắm trại
Loại hình
- Du lịch sinh thái
- Du lịch tham quan
- khám phá
Vé và lệ phí
80.000 VNĐ/khách/lượt
Liên hệ
- Đường xuyên đảo Cát Bà, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng
Viết đánh giá